Theo các nhà khoa học ở Đại học California, Mỹ, sở dĩ phụ nữ thường sống thọ hơn 4 năm so với đàn ông có thể là do sự hiện diện của nhiễm sắc thể X thứ hai.


Các nhà nghiên cứu chưa hiểu chính xác nhiễm sắc thể X ảnh hưởng đến tuổi thọ theo cách nào - Ảnh : Shutterstock

Các nhà nghiên cứu chưa hiểu chính xác nhiễm sắc thể X ảnh hưởng đến tuổi thọ theo cách nào - Ảnh : Shutterstock

Theo tạp chí Aging Cell, các nhà khoa học ở Đại học California, Mỹ, đã chứng minh rằng phụ nữ thường sống thọ hơn có thể là do sự hiện diện của nhiễm sắc thể X thứ hai. Cũng như trong trường hợp của các loài động vật khác, con đực sống ít hơn; ở loài người, tuổi thọ trung bình của phụ nữ dài hơn khoảng 4 năm so với đàn ông.

Từ trước đến nay, khoa học chưa biết chính xác vì sao lại như vậy, nhưng công trình nghiên cứu mới của Dena Dubal ở Đại học California, San Francisco, chỉ ra một chi tiết gây lý thú.Tuổi thọ tăng ở phụ nữ có thể là do sự hiện diện của nhiễm sắc thể X thứ hai, trong khi thay vào đó ở nam giới là nhiễm sắc thể Y.

Trên thực tế, nhiễm sắc thể X chứa một số gien cần thiết cho sự sống còn và nhiễm sắc thể Y chỉ chứa những gien có liên quan đến sự phát triển của giới tính nam. Trong số các gien này, Sry đóng một vai trò quan trọng.

Bằng cách khống chế hoạt động của gien Sry, khoa học có thể có được cơ thể động vật giống cái mang kiểu gien giống đực (có các nhiễm sắc thể XY và đồng thời có buồng trứng), hoặc cơ thể động vật giống đực có kiểu gien cơ thể cái (các nhiễm sắc thể XX và tinh hoàn). Dena Dubal và các đồng nghiệp đã nghiên cứu những con chuột như vậy, còn những bộ phận khác của những con vật là giống hệt nhau về mặt di truyền. Nhóm đối chứng là những con vật bình thường - con cái với các nhiễm sắc thể XX, có buồng trứng và con đực với các nhiễm sắc thể XY, có tinh hoàn.

Các nhà khoa học đã thông báo rằng những con cái bình thường có 2 nhiễm sắc thể và buồng trứng bình thường là những cá thể sống lâu nhất. Còn tất cả những con chuột có 2 nhiễm sắc thể X đều sống lâu hơn những con khác, bất chấp thực tế chúng có cơ quan sinh dục đặc trưng cho giống cái hay giống đực.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa hiểu chính xác nhiễm sắc thể X ảnh hưởng đến tuổi thọ theo cách nào. Có lẽ nguyên nhân của sự ảnh hưởng này không phải ở bản thân nhiễm sắc thể X, mà là ở nhiễm sắc thể Y, có thể sự hiện diện của nhiễm sắc thể Y bằng cách nào đó rút ngắn tuổi thọ.